Giữa Tấn và Sở Trịnh_Văn_công

Năm 637 TCN, công tử Trùng Nhĩ nước Tấn (con trưởng Tấn Hiến công) lưu vong đến nước Trịnh, Trịnh Văn công tỏ ra coi thường không tiếp đãi. Em ông là Thúc Thiêm can ngăn rằng Trùng Nhĩ là người hiền, không thể vô lễ nhưng ông không nghe, cho rằng các công tử các nước đến nước Trịnh quá nhiều không thể tiếp đãi hết, Thúc Thiêm lại khuyên nếu không tiếp đãi tử tế thì nên giết Trùng Nhĩ đi nhưng ông không nghe. Sau Trùng Nhĩ về nước lên ngôi tức Tấn Văn công.[1]

Năm 634 TCN, Tấn và Sở nổ ra chiến tranh để giành quyền bá chủ. Trịnh Văn công ngả theo Sở, cùng Sở Thành vương và các nước Trần, Sái, Hứa đi đánh nước Tống – đồng minh của Tấn. Tống Thành công cầu viện Tấn.

Tấn Văn công mang quân cứu Tống và đánh bại quân Sở trong trận Thành Bộc năm 632 TCN. Trịnh Văn công nghe tin Sở bị Tấn đánh bại, bèn sai sứ đến xin quy phục nước Tấn. Tấn Văn công đồng ý cho Trịnh giảng hòa.

Tuy được giảng hòa nhưng nước Trịnh vẫn bị Tấn Văn công ghét vì khi còn là công tử Trùng Nhĩ đi lưu lạc, Trịnh Văn công không đón tiếp Trùng Nhĩ. Vì vậy năm 630 TCN, Tấn Văn công cùng Tần Mục công mang quân đánh Trịnh. Nước Trịnh bị vây hãm. Đại phu nước Trịnh là Thúc Thiêm phải tự sát để lấy lòng nước Tấn nhưng Tấn Văn công vẫn đòi bắt Trịnh Văn công.

Nghe theo lời đại phu Dật Chi Hồ, Trịnh Văn công bèn sai Chúc Chi Vũ làm sứ đến gặp Tần Mục công, phân tích lợi hại: đánh Trịnh chỉ làm tăng uy thế của Tấn, không lợi gì cho Tần. Tần Mục công bèn tự mình rút quân. Tấn Văn công vây Trịnh không hạ được cũng bãi binh về nước[1][3][4].